Cần 10.000 công nhân
Hơn 2.000 ha thuộc Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương - Formosa Hà Tĩnh đã giải phóng xong mặt bằng, hiện chủ đầu tư Formosa đang cùng nhà thầu của Bỉ tích cực hút cát, san nền. Hơn 100 ha đã hoàn thành. Cuối tháng 6 vừa qua, việc xây dựng cảng, do một nhà thầu của Đài Loan triển khai, cũng đã bắt đầu được khởi công.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để năm 2014, có thể đưa nhà máy thép đi vào hoạt động, đồng bộ và nhất quán với các hạng mục khác của dự án, như cầu cảng, nhà máy điện…”, ông S.W.Jou, Giám đốc Văn phòng Dự án Formosa Hà Tĩnh, cho biết.
Theo kế hoạch, công việc hút cát, san nền của giai đoạn I (khoảng 1.000 ha) sẽ được thực hiện xong trong vòng 11 tháng, sau đó nhà máy sẽ bắt đầu được xây dựng. Cầu cảng thứ nhất, sau khi được khởi công vào cuối tháng 6 vừa qua, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.
Theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Vương Bình Minh: Cảng nước sâu Sơn Dương gồm 15 bến, công suất 30 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng/năm. Giai đoạn 2 khi công suất nhà máy thép nâng lên 15 triệu tấn/năm, công suất cảng là 60 triệu tấn/năm, tàu có trọng tải từ 200.000 đến 300.000 tấn có thể vào cảng...
Tổng đầu tư cả hai giai đoạn là 16 tỉ USD. Khối lượng công việc khổng lồ sẽ được nhà đầu tư Formosa triển khai từ nay tới năm 2014. Bởi theo kế hoạch, trong giai đoạn I, với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,9 tỷ USD, Dự án sẽ phải hoàn thành đồng bộ một loạt hạng mục, như cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và nhà máy phát điện công suất 750 MW.
Công việc lớn như vậy, song theo ông S.W.Jou, Formosa quyết tâm triển khai Dự án đúng tiến độ. Tất cả các gói thầu của Dự án, bao gồm cả việc cung cấp thiết bị, máy móc cho nhà máy chính, đều được mời thầu rộng rãi quốc tế và nhà thầu nào có năng lực nhất sẽ được lựa chọn. Về nguồn nhân lực, chỉ riêng nhà máy chính đã cần tới 10.000 công nhân, nên ngay từ bây giờ, Formosa đã liên tục cử người tới các trường đại học để tuyển người và cử đi đào tạo ở nước ngoài.
Lo thiếu điện, nước
Tuy nhiên, điều ông S.W.Jou lo lắng là, tới năm 2014, Dự án sẽ không có đủ nguồn nước để triển khai hoạt động. Theo kế hoạch, Khu liên hợp Gang thép Formosa cần tới 320.000 m3 nước/ngày đêm và UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ đầu năm 2009 đã phê duyệt việc cấp nước cho Dự án. Tuy nhiên, theo tính toán, giai đoạn I, khi bắt đầu hoạt động, nhà máy chỉ cần khoảng 174.000 m3 nước/ngày đêm. Nhu cầu nước giai đoạn I tuy chỉ bằng hơn một nửa so với kế hoạch, song nhiều khả năng chỉ có thể được đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.
Để đảm bảo cung cấp nước cho Dự án, tỉnh Hà Tĩnh phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Rào Trổ. Dự án này đáng lẽ phải khởi công trong tháng 6/2011, để hoàn thành vào tháng 6/2014, cùng thời điểm Formosa đi vào hoạt động, nhưng cho đến nay vẫn chưa được khởi công. Điều này khiến nhà đầu tư lo lắng. “Không có đủ nước thì nhà máy không thể đi vào hoạt động được”- ông S.W.Jou nói.
Bên cạnh vấn đề nguồn nước, nhà đầu tư Formosa cũng đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh trợ giúp giải quyết vấn đề đường dây tải điện. Theo thông tin của Formosa, Bộ Công Thương đã quyết định phương án đấu nối giữa Formosa và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đấu nối mạng lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp của Nhà máy Điện Vũng Áng. Nhưng đến nay, đoạn đường dây truyền tải điện này vẫn chưa có kinh phí dự toán.
Một kiến nghị nữa của nhà đầu tư này liên quan tới vấn đề cân đối ngoại tệ. Theo Formosa, sau khi đi vào hoạt động từ năm 2014, mỗi năm, Dự án cần chi trả khoảng 2,86 tỷ USD để nhập khẩu quặng sắt, than luyện kim và các loại nguyên liệu, trong khi lượng ngoại tệ công ty có được từ việc tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài chỉ khoảng 1,6 tỷ USD. Phần thiếu hụt này, Formosa đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đồng ý trên nguyên tắc sẽ cung cấp đủ, căn cứ theo tỷ giá quy định quy đổi, để đảm bảo cho Dự án hoạt động ổn định.
Nguồn tin: Phapluatvn
SẢN PHẨM |
LIÊN HỆ |
|
|
Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM |