Số phôi thép trên được xuất khẩu chủ yếu sang các nước Thái Lan, Malaysia và Philippines. Trong đó lượng phôi thép đã xuất khẩu từ 15.000-20.000 tấn. Giá xuất khẩu phôi thép của Việt Nam ở mức khoảng 860 USD/tấn, cộng với 2% thuế xuất khẩu và cước vận chuyển khoảng 25 USD/tấn thì giá phôi chỉ ở mức 900 USD/tấn, vẫn rẻ hơn so với phôi thép của Trung Quốc khoảng 30 USD/tấn.
Theo một số nguồn tin, với giá xuất khẩu như trên, các DN đang có lãi lớn bởi họ đang sử dụng thép phế nhập khẩu từ trước ở mức 340-400 USD/tấn. Còn các DN sản xuất phôi thép cho biết do không tìm được đầu ra trong nước nên bắt buộc họ phải xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thép phế cũng bắt đầu xuất ngược. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần A&A Global, một trong những DN nhập khẩu thép phế lớn cho biết, trong 2 tháng qua DN này không bán được tấn thép phế nào cho các khách hàng Việt Nam, trong khi đó trước đây, mỗi tháng bán chừng 20.000 tấn. Một số lô hàng thép phế của DN này đang trên đường nhập về Việt Nam đã phải quay sang bán cho các DN Thái Lan, thậm chí một số lô hàng thép phế đã nhập về nước nay cũng đang được tái xuất.
Lý do là các DN Việt Nam trả giá quá thấp, chỉ khoảng 475-500 USD/tấn, trong khi đó xuất sang Thái Lan giá là 600 USD/tấn, trừ các chi phí thì lợi nhuận vẫn còn khoảng 50 USD/tấn.
Một số DN hiện nay đã bắt đầu thu gom thép phế để xuất khẩu bởi bán trong nước không có lợi bằng bán ra nước ngoài.
Trong khi đó tình hình tiêu thụ thép trong nước đang giảm mạnh và lượng phôi nhập khẩu còn tồn đọng nhiều.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu quý I/2008 lượng thép xây dựng tiêu thụ bình quân đạt 320.000 tấn/tháng thì sang tháng 4/2008 đã giảm mạnh chỉ còn 250.000 tấn/tháng.
Hiện nhiều DN đang tồn đọng số lượng lớn thép xây dựng và phôi thép không bán được và có nguy cơ phải ngừng sản xuất.
Một nguồn tin cho biết hiện nay Công ty Gang thép Thái Nguyên không phải đang tồn đọng 30.000tấn thép mà thực tế còn nhiều hơn. Ước tính, tại nhà máy luyện thép lưu xá, thép phế tồn khoảng 30.000 tấn, phôi thép tồn khoảng 100.000 tấn. Còn tại nhà máy cán thép thì số lượng thép cán còn tồn hơn 100.000 tấn, không bán được cho ai. Tại Công ty cổ phần Cán thép Gia Sàng, cũng tồn hàng chục ngàn tấn thép thành phẩm và thép phế còn tồn từ 15-20.000 tấn. Tại Công ty cổ phần Cơ khí gang thép cũng tương tự như vậy. Đơn vị này mới cổ phần hoá được 1 năm, tách ra từ Công ty Gang thép Thái Nguyên, có thể phải ngừng sản xuất vì thép không bán được.
Trên thị trường hiện giá thép xây dựng đã giảm mạnh hiện chỉ vào khoảng 15,5 triệu đồng/tấn. Nhận định của các DN cho biết, một thời gian nữa thép không bán được, thì giá còn giảm.
Nhưng có ý kiến lại cho rằng, giá thép trên thị trường hiện nay vẫn còn cao, cần phải giảm nữa. Cũng theo nguồn tin này, giá thép phế liệu các DN Việt Nam mua vào lúc cao nhất (khi sốt) mới là 9 triệu đồng/tấn, nhưng số lượng mua không nhiều, còn lại đều mua giá từ 8 - 8,5 triệu đồng/tấn là chủ yếu và hiện nay thì có thể mua với giá 7.5 - 8 triệu đồng/tấn.
Theo tính toán thì có chênh lệch lớn với giá thép bán ra và các DN thép thời gian qua đã có siêu lợi nhuận. Với giá phế liệu như hiện nay thì giá thép cần phải giảm xuống nữa.
(DĐDN)
SẢN PHẨM |
LIÊN HỆ |
|
|
Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM |