Thông tin thị trường

Sự bùng nổ đầu tư vào ngành thép trong năm 2007 - hơn 10 tỷ USD vốn đăng ký - dường như đã đặt ngành thép Việt Nam vào bước phát triển mới: hoành tráng và cân đối hơn. Nhưng những phản hồi và cảnh báo từ Hiệp hội thép Việt Nam lại cho thấy cần có sự đánh giá đúng mức về hiện tượng này.

Không có thương hiệu thép Việt

Dự án luyện, cán thép công suất 5 triệu tấn/năm của hãng Tycoons (Đài Loan) tại Hà Tĩnh ban đầu có vốn đầu tư 1,03 tỷ USD, sử dụng lò cao dung tích 550 m3... Sau vài lần điều chỉnh, vốn cho dự án đã tăng lên mức 1,8 tỷ USD, rồi 4 tỷ USD như hiện tại. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được điều chỉnh từ 556 triệu USD lên 1,8 tỷ USD, sản phẩm chính là thép không gỉ và thép cacbon. Đáng chú ý, công suất của dự án không tăng, nhưng công nghệ sản xuất thì đã thay bằng lò cao dung tích đến 4.000 m3.

Cũng tại Hà Tĩnh, dự án liên hợp sản xuất thép khác là liên doanh giữa TCty Thép Việt Nam (VSC) và Tập đoàn Thép TaTa (Ấn Độ) - nhà sản xuất thép đứng thứ 6 trên thế giới - có vốn đầu tư dự kiến lên tới gần 4 tỷ USD, công suất tới 5 triệu tấn/năm. Dự án này sẽ sử dụng quặng tại mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) để luyện thép. Ngoài ra còn có dự án liên hợp luyện - cán thép của Posco - tập đoàn thép lớn nhất Hàn Quốc - với tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD đã khởi công hoặc đã được trao giấy phép đầu tư...

Cả dự án của Posco và Tata đều sử dụng công nghệ sản xuất là lò cao có dung tích từ 2.000 m3 trở lên. Đây là loại công nghệ sản xuất thép phổ biến trên thế giới hiện nay.

Với công suất lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm thép của các dự án do các tập đoàn trên sản xuất chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với thép sản xuất tại các NM luyện phôi của DN nội. Nguyên nhân trực tiếp do giá thành sản xuất của các DN này thấp hơn hẳn so với DN nội sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Có nghĩa là dù có rất nhiều dự án sản xuất thép của các DN nội, thì dường như tương lai của sản phẩm thép mang thương hiệu Việt không hề "sáng".

Vì vốn?

Việc Tycoons tăng vốn đầu tư để thay đổi công nghệ luyện, cán thép cho dự án tại Hà Tĩnh đã chứng minh cảnh báo của Hiệp hội Thép và các chuyên gia về "làn sóng" đầu tư vào ngành thép thời gian qua là đúng đắn. Nhưng nhìn từ góc độ đầu tư, đó dường như lại là "sản phẩm" của các chính sách phát triển ngành thép. Bất chấp việc thuộc danh mục các dự án được hưởng ưu đãi vay vốn, hỗ trợ tài chính..., vẫn có quá ít dự án ngành thép của các DN nội địa có sản lượng lớn và sử dụng công nghệ hiện đại. Một giám đốc DN ngành thép nội địa khẳng định: họ không thể "mơ" tới việc vay được ... trên 1 tỷ USD để đầu tư công nghệ hiện đại, có chi phí thấp trong sản xuất phôi thép dù rằng phôi thép sản xuất trong nước có lợi thế hơn hẳn phôi nhập khẩu, và lợi nhuận có thể thu được từ thị trường phôi thép trong nước là rất lớn.

Thực tế, TCty Thép Việt Nam - DNNN có kinh nghiệm, có tiềm lực bậc nhất của ngành thép Việt Nam cũng không hề khởi công nổi một dự án sản xuất phôi thép với công nghệ được đánh giá là hiện đại, chi phí thấp suốt giai đoạn trước 2007. Trong thời gian đó, thị trường phôi thép trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu, và thực ra cho đến nay vẫn là thị trường thành phần của phôi thép Trung Quốc.

Tính nửa vời trong các chính sách khuyến khích phát triển ngành thép của Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng các DN nội chỉ tập trung vào những dự án có công suất nhỏ, công nghệ "mua lại". Chính xác hơn là các DN nội đã lựa chọn phương án đầu tư... "phù hợp" nhất trong điều kiện cơ chế khuyến khích không có hiệu quả thực tế. Vì câu trả lời đối với phát triển ngành thép Việt Nam đã rất rõ ràng: vốn đầu tư sẽ quyết định trình độ công nghệ của DN, chứ không thể tách thành hai vấn đề riêng. Có nghĩa là sự khuyến khích bằng cơ chế phải được thể hiện thành ưu đãi cụ thể, chứ không thể mãi chỉ là... trên giấy.

(DĐDN)

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn