Thông tin thị trường

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel).

Trong tuần qua, có nhiều thông tin giá phôi thép thế giới đã giảm, vậy trong thời gian tới giá thép của Tổng công ty và các các công ty trực thuộc cũng sẽ giảm, thưa ông ?

Hiện nay, thông tin về giá phôi trên thị trường khu vực Đông Nam Á và Việt Nam đang có rất nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như từ Hiệp hội Thép, từ các doanh nghiệp, từ các bộ ngành quản lý, từ các tổ chức kinh tế nước ngoài…

Tất cả những nguồn thông tin này lại có một đặc điểm chung là đều trích dẫn từ các nguồn khác nhau và thời điểm cũng khác nhau nên dẫn tới kết quả là không đồng nhất. Điều quan trọng là số liệu nào là sát với thực tế và đáng tin cậy.

Hiện nay, thị trường phôi vẫn đang trong thời điểm biến động cao theo hướng bất lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng do những áp lực từ thị trường Trung Quốc và khu vực. Vì vậy, giá thép hiện nay của VNSteel cũng như của các doanh nghiệp trong nước vẫn đang có những biên độ chênh lệch khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi doanh nghiệp.

Riêng đối với VNSteel và các công ty trực thuộc thì trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, ngoài nhiệm vụ kinh tế thì trách nhiệm xã hội cũng phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, VNSteel luôn phải đặt ra mục tiêu là vừa đảm bảo kinh doanh không thua lỗ vừa không để xảy ra biến động quá cao về giá thép. Điều này được minh chứng thông qua các hợp đồng đã được VNSteel ký kết với rất nhiều tập đoàn lớn, tổng công ty về việc cung cấp thép với mức giá ổn định cho các công trình trọng điểm của quốc gia.

Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng cứ nhất nhất yêu cầu VNSteel phải bình ổn giá ở trạng thái tĩnh, tức là giá thép cứ phải giữ nguyên trong một thời gian dài là điều không thể. Điều này không đúng với bản chất cân bằng động về giá của nền kinh tế thị trường.

Do đó, trong thời gian tới, dù giá phôi có tăng hay giảm thì VNSteel cũng vẫn phải đưa ra một mức giá đáp ứng được cả hai nhiệm vụ trên.

Nhưng thưa ông, kết luận của các cơ quan chức năng sau đợt thanh tra vừa qua thì giá thép vẫn có thể giảm nếu các doanh nghiệp cắt bỏ một số chi phí đầu vào không cần thiết?

Hiện nay, VNSteel và các công ty trực thuộc đang chiếm khoảng 40% thị phần thép trong nước, còn lại là thuộc các doanh nghiệp khác. Vì vậy, trong thời điểm thị trường thép đang “nóng bỏng” như hiện nay thì VNSteel cũng chỉ đóng góp một phần vào nhiệm vụ bình ổn giá mà thôi. Phần còn lại sẽ thuộc về các cơ quan chức năng.

Vì vậy, sau khi có kết luận của đoàn thanh tra, VNSteel đã thống nhất là sẽ cam kết tham gia bình ổn giá trong khả năng của mình bằng việc cắt giảm một số chi phí đầu vào sản xuất.

Nhưng quan điểm của VNSteel thì việc cắt giảm chi phí không phải là một phương án tối ưu. Làm sao để giải bài toán phôi thép mới là lựa chọn hàng đầu của VNSteel. Hiện nay, VNSteel đang có rất nhiều hợp đồng liên doanh với các đối tác nước ngoài để sản xuất phôi thép.

Ví dụ, hiện VNSteel đang triển khai giai đoạn 2 dự án sản xuất phôi tại mỏ Trại Cau – Tiến bộ (Thái Nguyên) với công suất nửa triệu tấn phôi; dự án liên doanh với Tập đoàn thép Côn Minh (Trung Quốc) tại Lào Cai để sản xuất phôi thép và gang, đặc biệt là dự án liên doanh với Tập đoàn TaTa (Ấn độ) về xây dựng liên hợp thép có công suất 4,5 triệu tấn tại mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh).

Khi những dự án này di vào hoạt động thì chắc chắn bài toán về phôi cũng như “cơn sốt” giá thép mới tìm được lời giải, ít nhất là trong thị phần của VNSteel.

Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn trước mắt, để “hạ nhiệt” cho giá thép trong nước, Cục Quản lý giá đang có phương án đề xuất với Chính phủ cho giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm. Phản ứng của VNSteel trước đề xuất này như thế nào, thưa ông ?

Thực ra, đến thời điểm này, đây cũng mới chỉ là đề xuất của Cục Quản lý giá. Vì vậy, chưa có thể nói được nó sẽ tác động như thế nào đến giá thép của VNSteel cũng như của thị trường.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, đề xuất này đã gặp phải sự phản đối của khá nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Đó là chưa nói đến mục tiêu dài hạn của chúng ta là không khuyến khích nhâph khẩu thép thành phẩm.

Hiện nay, phía Trung Quốc đang đưa ra nhiều biện pháp mạnh nhằm hạn chế xuất khẩu phôi thép, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu thép thành phẩm sang các thị trường khu trong khu vực và Việt Nam là một trong những thị trường mà họ nhắm tới.

Hiện nay, giá thép trong nước vẫn đang trong “cơn sốt”, do đó Cục Quản lý giá mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại trong nước tăng cường nhập khẩu thép thành phẩm nhằm “giảm nhiệt” cho thị trường thép.

Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra thì chưa hẳn chúng ta đã đạt được mục đích, bởi không ai có thể chắc là phía Trung Quốc có bán cho chúng ta theo giá cũ hay họ lại nhân cơ hội này để đẩy giá thép lên cao.

Vì vậy, việc giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm là phải hết sức cân nhắc, thận trọng. Nếu không cẩn thận thì người được hưởng lợi trong các chính sách của mình không ai khác chính là các doanh nghiệp nước ngoài.

Hay nói cách khác, nếu Chính phủ thực hiện giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm từ 8% xuống 2% như đề xuất của Cục Quản lý giá thì rất có thể chúng ta sẽ bị “sập bẫy”.

Nhưng nếu giá thép cứ tiếp tục tăng cao như hiện nay thì đề xuất của Cục Quản lý giá là điều mà chúng ta phải tính tới, thưa ông?

Hiện nay, phía Trung Quốc đang đưa ra nhiều lời chào hàng đối với VNSteel. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa quyết định bất kỳ một hợp đồng nào.

Theo tôi được biết, sau khi giá chào hàng của phía Trung Quốc vượt qua 605 USD thì một số doanh nghiệp đã tìm kiếm và đặt hàng từ các thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... do giá phôi của nước này thấp hơn giá Trung Quốc đến 30 USD/tấn.

Đồng thời, từ khi chúng ta huỷ các hợp đồng mua phôi thép trên 600 USD thì giá phôi Trung Quốc cũng bắt đầu chững lại.

Hiện nay, giá thép ở thị trường trong nước cũng đã bắt đầu hạ nhiệt do lượng cầu giảm. Nguyên nhân là do khá nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn trong nước cũng đã mua dự trữ một lượng khá lớn. Còn một bộ phận khác thì đang chờ đợi, nghe ngóng những quyết định cuối cùng. Chính vì vậy, từ giờ đến cuối năm, các nhà sản xuất có muốn tăng giá cũng khó.

Hơn nữa, vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng đã thống nhất cam kết sẽ giữ nguyên mức giá bán như hiện nay, tức là vào khoảng 10,6 triệu/tấn, ngoại trừ Natsteel Vina đang có giá bán là 11 triệu đồng/ tấn.

Vì vậy, khả năng tăng giá thép trong những tháng cuối năm nay là điều khó có thể xảy ra. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, chúng ta phải hết sức cân nhắc tới việc giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm.

(VnEconomy)

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn