Thông tin thị trường

Tại cuộc họp của Hiệp Hội thép Đông Nam Á tổ chức tại Thượng Hải – Trung Quốc trong thời gian vừa qua, đại diện Hiệp hội Thép các nước đến từ Malaysia, Phillipin, Indonesia, Thái Lan… đã nêu lên nhiều biện pháp mà chính phủ các nước này áp dụng nhằm ngăn chặn suy thoái, khủng hoảng trong ngành thép. Đa phần các biện pháp đó đều hướng tới mục đích bảo vệ nền sản xuất thép trong nước như: hạn chế nhập khẩu, hỗ trợ xuất khẩu.

Ví dụ, để hạn chế nhập khẩu, Indonesia đã đưa ra chính sách:

- Tất cả mặt hàng nhập khẩu là thép đều phải được các giám sát viên độc lập của Bộ Thương mại thẩm tra tại cảng lưu hàng trước khi chúng được đưa vào trong nước. Đồng thời, để quản lý chặt hơn nữa các đầu mối nhập khẩu, từ ngày 01/4/2009, các nhà sản xuất và nhập khẩu thép phải đăng ký lại với Bộ Thương mại nước này;

- Tất cả các dự án của Chính phủ đều phải sử dụng thép sản xuất trong nước;

- Tất cả thép nhập khẩu đều phải tuân theo tiêu chuẩn quốc gia và bị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ.

Các nước khác như Malaysia, Thái Lan đều ban hành Tiêu chuẩn quốc gia mới chặt chẽ hơn, và quy định mọi lô hàng thép nhập khẩu đều phải được lấy mẫu kiểm tra để kiểm soát chất lượng thép nhập khẩu.

Thông tin phản ánh từ Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian qua thị trường thép Việt Nam diễn biến xấu, khối lượng thép ngoại nhập vào nhiều, xảy ra hiện tượng gian lận về thuế khiến thép nhập ngoại cạnh tranh với thép sản xuất trong nước. Cụ thể:

Đầu năm 2009, thép từ các nước ASEAN, chủ yếu là thép cuộn được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Các nhà nhập khẩu thép có C/O form D đã lợi dụng sự không rõ ràng giữa mã số HS nhóm hàng 72.13 có thuế suất 0% với nhóm hàng 72.14 có thuế suất 5% để gian lận thương mại. Do đó, 2 tháng đầu năm 2009 lượng thép cuộn nhập khẩu vào nước ta tăng vọt (47.000 tấn) – khối lượng nhập khẩu tháng 2 tăng gấp 10 lần tháng 1.

Do hiện nay nước ta chưa sản xuất được thép hợp kim, nên thép hợp kim được hưởng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 0%. Trong biểu thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành của Bộ Tài chính Việt Nam, loại thép cuộn có hàm lượng Bo lớn hơn hoặc bằng 0,0008% thì được xem là thép hợp kim. Theo thông lệ, thép hợp kim chủ yếu chỉ được dùng cho công nghiệp nồi hơi, chịu lực. Nhưng trên thực tế, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã lợi dụng điều đó, đưa thêm vi chất Bo vào thành thép hợp kim xuất khẩu sang Việt Nam sử dụng cho mục đích xây dựng nhằm hưởng thuế suất 0% thay cho mức thuế suất 12% trước đây và nay là 15%.

Như vậy, đứng trước thực trạng thép hợp kim được nhập khẩu sử dụng làm thép xây dựng, Chính phủ, các Bộ, Ngành sẽ sớm đưa ra giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng trong nước, hỗ trợ ngành công nghiệp thép non trẻ nước nhà. Một số giải pháp có thể sẽ được áp dụng như:

- Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đối với thép hợp kim sử dụng làm thép xây dựng như thép xây dựng hiện hành là 15%. (Hiện nay, các lô hàng thép xây dứng chứa Bo chủ yếu thuộc nhóm 72.27, tuy nhiên các nhóm 72.28 và 72.29 cũng là nhóm thép có bản chất hoàn toàn giống với nhóm 72.27 (ở dạng cuộn) nhưng ở dạng thanh, que đã cắt hoặc dạng dây, nên sẽ áp thuế suất như thép xây dựng cho cả 3 nhóm hàng 72.27, 72.28, 72.29 để tránh trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng chuyển đổi nhóm hàng, gian lận thuế - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã có dự thảo thông tư hướng dẫn);

- Áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng này;

- Giám định và kiểm soát chặt chẽ đối với các lô hàng thép nhập khẩu nhằm ngăn chặn gian lận thương mại về thuế…

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của chính phủ, điều quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cạnh tranh được với các doanh nghiệp sản xuất thép nước ngoài và có thể đứng vững trên thị trường là họ phải tự đề ra được chính sách sản xuất, kinh doanh hiệu quả để giám giá thành sản phẩm.

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn