Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 58/2009/TT-BTC về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc tăng thuế chỉ nên coi là giải pháp tạm thời.
Theo Thông tư 58, thuế suất thuế nhập khẩu một số sản phẩm phôi thép tăng từ mức 5% lên 8%, một số sản phẩm thép cuộn cán nguội tăng từ 7% lên 8%, thép xây dựng tăng từ 12% lên 15%, sản phẩm dây thép cacbon tăng 5% và 8% lên mức 10%, ống thép hàn tăng từ 8% lên 10% và một số sản phẩm tráng kim loại, sơn phủ màu tăng từ 1% đến 2% tương ứng.
Gỡ khó cho DN sản xuất thép
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép là nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất phôi thép và thép xây dựng trong nước.
Trong khoảng 3 tháng đầu năm 2009, những biến động về giá thép thế giới có chiều hướng giảm mạnh, thậm chí nhiều nước bán hạ giá để đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước khác. Điều này đã gây sức ép không nhỏ lên nhiều DN thép trong nước.
Hiện tại các DN thép đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn từ thị trường thép nhập khẩu. Mặc dù, cuối tháng 12/2008, Bộ Tài chính cũng đã quyết định điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng phôi thép và thép xây dựng.
Không chỉ có vậy, thời gian gần đây, lượng thép cuộn có nguồn gốc từ một số nước trong khu vực Asean như Thái Lan và Malaysia đã được nhập khẩu vào VN với khối lượng lớn, được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, giá bán thấp hơn thép cuộn trong nước khoảng 500.000 đồng/tấn.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN khẳng định: Ngay cả những DN có nguồn quặng, vừa sản xuất phôi, vừa cán thép như Gang thép Thái Nguyên, Hòa Phát cũng cho biết không còn khả năng cạnh tranh và đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Đại diện Công ty Thép Hòa Phát còn cho biết, họ phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ thép đang sụt giảm trầm trọng trong khi nguồn cung thừa.
Trái với chủ trương kích cầu
Việc tăng thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng tới giá bán thép trên thị trường nội địa. Điều này cũng ảnh hưởng tới chiến lược kích cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Cường: "Trong khủng hoảng kinh tế, việc bảo vệ nền sản xuất trong nước là việc cần làm".
Trước đây, khi giá phôi thép tăng cao lên tới 1.200 USD/tấn, Nhà nước đã tăng thuế xuất khẩu phôi để ngăn ngừa tái xuất phôi, đề phòng thiếu phôi sau này. Quyết định này đã gây ra tổn thất không đáng có cho các DN VN khi sau đó, phải chịu ứ đọng hàng nhập phôi giá cao.
Một thông điệp lớn mà nhiều người tiêu dùng mong đợi khi gia nhập WTO, đó là sức ép cạnh tranh sẽ tạo ra giá cả hàng hóa rẻ hơn, hàng hóa phong phú và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, từ khi gia nhập WTO, xu hướng nổi bật là mỗi khi gặp khó khăn, không thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại thì nhiều nhóm DN đều muốn Nhà nước tiếp tục bảo hộ bằng chính sách thuế.
Mặt khác, không thể lấy việc giảm giá thuế để làm cơ hội bảo hộ cho sự yếu kém của ngành sản xuất thép trong nước với nhiều bất cập như công nghệ thấp, bắt tay nhau kìm giá...
Cũng cần phải khẳng định rằng, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu có tác động không nhỏ đến nên các DN đều suy yếu, cần được tạo điều kiện cho đầu ra. Tuy nhiên, việc tăng thuế chỉ nên là giải pháp trước mắt chứ không thể kéo dài.
Vì vậy, thiết nghĩ, chính sách thuế của Nhà nước cần đặt mục tiêu đầu tiên là đảm bảo quyền lợi của nhân dân hay người tiêu dùng nói chung và quyền lợi của Nhà nước.
DĐDN