Chiều ngày 12/3, Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc tăng thuế thép.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị nâng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% hiện hành lên 15%, nâng thuế suất thuế nhập khẩu thép cuộn đường kính 6-10mm và thép thanh xây dựng từ 12% hiện hành lên 22%.
Đối với thép cuộn cán nguội, Hiệp hội đề nghị nâng thuế suất thuế nhập khẩu từ 7% lên 8% và các sản phẩm tráng kim loại và sơn phủ màu cũng tăng thêm 1% tương ứng.
Một tháng trước, ngày 12/2, bốn doanh nghiệp sản xuất phôi thép cũng đề xuất tăng thuế nhập khẩu phôi lên mức kịch trần cho phép trong WTO là 17%.
Lao đao vì thép ngoại bán phá giá
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp ngành thép đều rơi vào tình trạng lao đao khi đang phải đối mặt với trình trạng nhiều nước xuất khẩu đã bán phá giá phôi thép và sản phẩm thép vào thị trường Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Đặc biệt là Nga, Ukraina, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, thép được bán phá giá ồ ạt vào Việt Nam.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá chào bán phôi được giảm hàng ngày đến mức chóng mặt. Cách đây hai tuần, giá phôi thép từ Nga chào bán vào Việt Nam là 380USD/tấn, thế nhưng trong tuần vừa qua, mức giá chào bán mặt hàng này đã sụt mạnh xuống dưới 300 USD/tấn (giá FOB).
Các hợp đồng ký kết thực mua vào với giá chỉ 280 USD/tấn. Đồng thời, giá cước vận tải từ thị trường Biển Đen về Việt Nam đã giảm từ hơn 100USD/tấn xuống chỉ còn mức 40-50 USD/tấn. Cộng các chi phí, giá phôi nhập đã xuống dưới giá thành sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, giá nhập thép phế để làm nguyên liệu sản xuất phôi được chào bán ở mức 255 USD/tấn, cộng với chi phí gia công luyện phôi bình quân là 150USD/tấn thì giá thành để sản xuất phôi trong nước đã lên tới khoảng 430USD/tấn, cao hơn giá phôi nhập.
Ông Phạm Chí Cường khẳng định, ngay cả những doanh nghiệp có nguồn quặng, vừa sản xuất phôi, vừa cán thép như Gang thép Thái Nguyên, Hòa Phát cũng cho biết không còn khả năng cạnh tranh và đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Đại diện Công ty Thép Hòa Phát còn cho biết, họ phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ thép đang sụt giảm trầm trọng trong khi nguồn cung lại dư thừa. Phần lớn, các nhà máy sản xuất phôi thép đang phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng dẫn tới tình trạng phải nghỉ việc luân phiên.
Tăng thuế chỉ nên là giải pháp tạm thời
Trong lúc Chính phủ đang kích cầu đầu tư, việc tăng thuế nhập khẩu có thể sẽ ảnh hưởng tới giá bán thép trên thị trường nội địa.
Suy nghĩ về vấn đề này, ông Phạm Chí Cường nói: "Biết là kiến nghị tăng thuế là trái ngược với chính sách kích cầu nhưng chúng tôi đành phải làm. Trong khủng hoảng kinh tế, việc bảo vệ nền sản xuất trong nước là việc cần làm. Các nước trên thế giới đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước trước tiên".
Tháng 2 vừa qua, sản xuất thép cả nước đạt khoảng 240.000 tấn, giảm tới 16% so với cùng kỳ năm 2008 và giảm so với tháng 1. Tiêu thụ thép tháng 2 ước đạt 220.000 tấn, giảm tới 26% so với cùng kỳ năm 2008. Cùng với đó, lượng thép tồn kho vẫn còn nhiều. Tính tới cuối tháng 2, thép thành phẩm tồn kho khoảng 200.000 tấn, phôi thép tồn khoảng 300.000 tấn.
Nếu như trước đây, ngành thép Việt Nam phải phụ thuộc nguồn phôi nhập tới 60% khiến mỗi lần giá phôi thế giới tăng cao thì giá thép trong nước cũng leo thang theo.
Đến nay, năng lực sản xuất phôi trong nước đã đáp ứng được tới 60-70%, hiện đạt 2,7 triệu tấn. Thậm chí, nếu như hoạt động tối đa công suất, dự kiến năm 2009, năng lực sản xuất phôi có thể đạt 5,5 triệu tấn, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Vì vậy, "cứu nền sản xuất phôi thép là việc cần thiết", đại diện Công ty Thép Đình Vũ khẳng định.
Tuy nhiên, ba công ty: Thép Việt - Úc, NatsteelVina, Thép Việt - Ý không đồng tình với việc tăng thuế phôi. Nguyên nhân là các công ty này chỉ cán thép, không sản xuất phôi nên phụ thuộc nguồn phôi bên ngoài.
Một chuyên gia trong ngành thép, ông Lê Văn Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Thép Thành Đô bày tỏ, hạn chế thép nhập để tiêu thụ hàng nội địa cũng phù hợp với chính sách kích cầu thị trường nội địa của Chính phủ.
Hơn nữa, do khủng hoảng nên các doanh nghiệp đều suy yếu, cần được tạo điều kiện cho đầu ra. Tuy nhiên, việc tăng thuế chỉ nên là giải pháp trước mắt chứ không thể kéo dài. Khi giá phôi thép thế giới tăng lên thì cơ quan thuế phải bám sát, điều chỉnh lại cho phù hợp.
Trước đây, khi giá phôi thép tăng cao lên tới 1.200 USD/tấn, Nhà nước đã tăng thuế xuất khẩu phôi để ngăn ngừa tái xuất phôi, đề phòng thiếu phôi sau này. Quyết định này đã gây ra tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp Việt Nam khi sau đó, phải chịu ứ đọng hàng nhập phôi giá cao.
Một thông điệp lớn mà nhiều người tiêu dùng mong đợi khi gia nhập WTO, đó là sức ép cạnh tranh sẽ tạo ra giá cả hàng hóa rẻ hơn, hàng hóa phong phú và chất lượng hơn. Tuy nhiên, từ khi gia nhập WTO, một xu hướng nổi bật là mỗi khi gặp khó khăn, không thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại thì nhiều nhóm doanh nghiệp đều muốn Nhà nước tiếp tục bảo hộ bằng chính sách thuế. Đây gần như là "thói quen" thường xuyên của nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Chính sách thuế của Nhà nước cần đặt mục tiêu đầu tiên là đảm bảo quyền lợi của nhân dân hay người tiêu dùng nói chung và quyền lợi của Nhà nước. Sẽ không thể vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp mà ra quyết định thuế vội vàng.
(Theo VNN)
SẢN PHẨM |
LIÊN HỆ |
|
|
Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM |