Địa phương “qua mặt” trung ương?
Kết quả kiểm tra quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015 do Bộ Công thương vừa công bố cho thấy, đến nay, đã có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy CNĐT, trong đó: Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 dự án, Hải Phòng có 5 dự án, Hải Dương: 4 dự án, Hà Tĩnh: 3 dự án...Trong số này, có 2 dự án đã đưa vào sản xuất, 3 dự án đang hoàn chỉnh, dự kiến đưa vào sản xuất đầu năm 2009.
Như vậy, từ năm 2007 đến nay, số lượng dự án ngoài danh mục quy hoạch lớn hơn cả số lượng dự án trong quy hoạch (23 dự án).
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, trước đây, dù chiến lược quy hoạch có đề ra nhiều mục tiêu nhưng do giá thép thấp nên các doanh nghiệp trong nước, kể cả Tổng công ty Thép Việt Nam cũng không đủ năng lực tài chính để triển khai các dự án.
Từ năm 2005 trở lại đây, giá thép trong nước và quốc tế ngày càng tăng làm cho các dự án sản xuất thép thỏi trở nên hấp dẫn hơn, nên các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư rất nhiều, kể cả trong nước và nước ngoài… Đó là những lý do khiến chiến lược quy hoạch ngành thép bị vỡ.
Tại báo cáo rà soát quy hoạch ngành thép gửi Thủ tướng, Bộ Công thương đã chỉ ra thực trạng các dự án được các địa phương cấp giấy CNĐT không có trong danh mục quy hoạch được duyệt và đều có mức vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng, vì vậy, một số địa phương đã không xin phép Thủ tướng và không xin ý kiến của Bộ Công thương. Đây là bất cập lớn và xuất phát từ sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
Theo Luật Đầu tư, các dự án luyện kim có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng (nhóm B) không có trong quy hoạch và không phải xin ý kiến thỏa thuận khi xem xét cấp giấy CNĐT. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thì đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.
Như vậy, các dự án luyện kim không có trong quy hoạch ngành thép và thuộc nhóm B (vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng) vẫn phải xin ý kiến thỏa thuận. Nhưng trên thực tế, trong số 32 dự án được cấp giấy CNĐT không có trong quy hoạch thì có tới 24 dự án “phạm quy”.
Tạm dừng đầu tư các dự án thép
Bộ Công thương cho biết, hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vẫn vượt 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Ngành thép vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, thành phẩm nhập khẩu do vậy, sản xuất thường bị động và chịu nhiều thiệt hại khi giá cả thị trường biến động.
Bên cạnh đó, công suất các loại sản phẩm thép (phôi thép, thép thành phẩm) của các dự án vượt xa nhu cầu dự kiến trong quy hoạch (năm 2015 dự báo nhu cầu khoảng 15 triệu tấn, năm 2020: khoảng 20 triệu tấn), việc cạnh tranh thị trường thép nội địa và xuất khẩu sẽ rất gay gắt.
Việc dư thừa công suất sản phẩm kéo dài, dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép đạt khoảng 60%-70%, trình độ công nghệ ở mức trung bình, tiêu hao nguyên vật liệu cao, khả năng cạnh tranh thấp dẫn đến khối lượng xuất khẩu hạn chế.
Nhìn ở góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã phân tích, hạn chế lớn nhất của quy hoạch bây giờ là khâu dự báo và tầm nhìn, khi làm quy hoạch chỉ cân đối cung cầu trong nước chứ chưa tính đến việc xuất khẩu.
Thậm chí, các cơ quan quản lý cũng không hề tính đến việc dự báo có những doanh nghiệp FDI vào và có tính đến việc xuất khẩu thép, điển hình như hàng loạt dự án đầu tư lớn của Fomosa, Tycoons, Lion Group… vừa vào Việt Nam với công suất vài triệu tấn thép một năm.
Tại báo cáo công tác kiểm tra, rà soát công tác quy hoạch ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã kiến nghị Thủ tướng chấn chỉnh công tác cấp giấy CNĐT các dự án thép tại địa phương; tạm dừng việc xem xét cấp giấy CNĐT các dự án thép (chỉ xem xét đối với các dự án sản xuất thép tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và các dự án sản xuất thép chất lượng cao). Rà soát và rút giấy CNĐT đối với các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết
Theo SGGP
SẢN PHẨM |
LIÊN HỆ |
|
|
Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM |