Thông tin thị trường

Trên thị trường, giá thép vẫn bị đẩy lên cao

 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân khiến giá thép trong nước tăng cao trong thời gian qua là do giá nguyên liệu “đầu vào” như phôi, thép phế, quặng sắt, than mỡ, các loại vật liệu chịu lửa... đều tăng 50-60%. Trong khi đó, ngành Thép lại phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên phải chịu tác động mạnh của thị trường thép thế giới, nhất là phôi thép.

 

Hiện nay, ngành Thép trong nước chỉ đáp ứng được trên 40% nhu cầu phôi thép, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu (trong đó có tới 70% là nhập khẩu từ Trung Quốc). Vì vậy, mỗi khi Trung Quốc có chính sách điều chỉnh giá đều tác động mạnh đến thị trường Việt Nam. Phôi thép trên thị trường thế giới đang chào bán vào Việt Nam ở mức 900-970 USD/tấn; giá bán thép xây dựng trong nước tại nhà máy chưa trừ chiết khấu, chưa có thuế giá trị gia tăng ở mức 14,8-15,5 triệu đồng/tấn. Mặc dù giá xuất xưởng sản phẩm thép là như vậy, nhưng khi đến người tiêu dùng, giá thép đội lên tới 18 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi còn cao hơn, góp phần đẩy giá thành sản phẩm tăng trên 70% so với mức bình quân của năm 2007. Là đơn vị được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường thép trong nước, Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, thực tế trong thời gian qua giá thép của Tổng công ty bán ra luôn thấp hơn các doanh nghiệp (DN) khác 300.000-500.000 đ/tấn và tăng giá chậm hơn so với các công ty khác ngoài Tổng công ty, nhưng trên thị trường giá vẫn tăng.

 

Cuối tháng 3, ngành Thép đã cam kết không tăng giá bán sản phẩm, ngay cả khi giá phôi nhập khẩu lên mức 900 USD/tấn và đã đạt được thỏa thuận trong việc bình ổn giá đến nay. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của thị trường nguyên liệu trên thế giới đang đe dọa tới cam kết của các DN này. Thực tế, việc Công ty thép Vinakyoei vừa ký hợp đồng nhập khẩu lô phôi với giá tới 936 USD/tấn là một tín hiệu rất đáng quan ngại. Bên cạnh chính sách tăng thuế suất thuế xuất khẩu phôi và thép thành phẩm của Trung Quốc thì một số thị trường khác đã cấm xuất khẩu phôi và thép trong 3 tháng đầu năm 2008.

 

Được biết, lượng phôi thép dự trữ còn khoảng 420.000 tấn, cộng với hơn 100.000 tấn thép thành phẩm từ tháng 3 chuyển sang cùng với năng lực sản xuất của các DN, nên sản lượng, giá thép vẫn có thể ổn định đến tháng 6, góp phần kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Kiềm chế tăng giá và bình ổn thị trường


Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Thép, Tổng Công ty và Hiệp hội Thép thống nhất tập trung kiềm chế tăng giá, bình ổn thị trường thép. Trước mắt, ngành Thép sẽ không tăng giá bán sản phẩm trong trường hợp giá phôi nhập khẩu dưới 900 USD/tấn và khi giá phôi nhập khẩu trên 900 USD/tấn, các DN sẽ bàn thảo với Hiệp hội Thép về việc điều chỉnh giá bán hợp lý trên nguyên tắc duy trì tái sản xuất, nhưng không gây “sốc” cho thị trường.

 

Bên cạnh đó, Tổng Công ty và Hiệp hội Thép đã chỉ đạo các DN tăng cường sản xuất phôi thép trong nước để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình sản xuất phôi thép đi từ quặng và sắt thép phế; đồng thời nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất từ khâu mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu cho đến các khâu sản xuất, lưu thông phân phối để có giá bán sản phẩm cạnh tranh; theo dõi sát sao các diễn biến của thị trường thép trong nước và thế giới để có những giải pháp tương ứng kịp thời.

 

Với khâu bán hàng, Tổng Công ty và Hiệp hội Thép yêu cầu các DN sản xuất mở rộng hệ thống phân phối, đưa thép tới công trình, giảm bớt khâu trung gian, có những quy định chặt chẽ để hạn chế các đại lý nâng giá bán tùy tiện; không bán hàng tập trung cho một số đại lý nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, ưu tiên cung cấp sản phẩm thép trực tiếp cho các công trình xây dựng và hộ tiêu thụ cuối cùng. Ngoài ra, các DN cần thực hiện việc niêm yết công khai giá bán thép; đăng ký đầy đủ, kịp thời và minh bạch về giá bán thép với cơ quan quản lý thị trường địa phương để phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá bán của nhà sản xuất đã được công bố.

 

Để việc kiềm chế tăng giá và bình ổn thị trường thép trong nước thực sự có hiệu quả, theo Hiệp hội Thép, cần có sự phối hợp tốt của nhiều bộ, ngành và DN liên quan; sử dụng các công cụ tài chính, thuế, từng bước kiểm soát thị trường.

(theo Hà Nội Mới)

 

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn