Thông tin thị trường

Trong cuộc trao đổi với DĐDN, ông Tiến cho rằng việc soạn thảo các bộ luật là để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh tế - xã hội, chứ không có luật nào được soạn ra với mục đích cản trở các hoạt động ấy cả.

- Thưa ông, liên quan đến những vướng mắc của các DN nhập khẩu thép phế, các DN đều cho rằng do không được định nghĩa một cách chính xác về khái niệm "làm sạch" nên Điều 43, Luật Bảo vệ môi trường đã khiến các DN này gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thép phế. Là tổ trưởng Tổ soạn thảo luật này, ông có ý kiến gì?

Trước tiên tôi khẳng định rằng, trong quá trình soạn thảo luật, chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc việc lấy ý kiến đóng góp của DN, các hiệp hội cho việc xây dựng bộ luật này. Ngay cả VCCI, Liên hiệp các hội KHKT cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến DN đóng góp cho Ban Soạn thảo. Hơn nữa, Tổ soạn thảo luật cũng đã bao gồm rất nhiều chuyên gia của các bộ. Đây là những người có kiến thức cũng như đủ hiểu biết về các vấn đề liên quan để xây dựng bộ luật này. Thêm một điểm nữa cần biết là bộ luật này được xây dựng trong bối cảnh rất nhiều lô hàng được nhập về VN mà hầu như không đảm bảo được các điều kiện về vệ sinh, môi trường. Rất nhiều lô hàng có lẫn các loại tạp chất, có thể chứa các mầm bệnh gây hại tới sức khỏe người dân. Chính vì thế, Điều 43 của luật được đưa ra với quan điểm rằng các DN có thể nhập phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ưu tiên cho sản xuất nhưng không thể nhập các loại phế liệu với bất cứ giá nào.


“Chúng ta cần xây dựng một danh sách các chất không được phép có lẫn trong các lô hàng nhập về. Nếu xây dựng được danh mục ấy, các DN cũng như các cơ quan chức năng chỉ cần căn cứ vào danh mục ấy để thực hiện, tránh những vướng mắc không đáng có”.

 


- Thế nhưng việc quy định không rõ ràng về khái niệm "làm sạch" và "tạp chất" tại Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường đã khiến các DN nhập khẩu thép phế làm nguyên liệu sản xuất phôi thép đang bị "ách" hàng tại các cảng khi Hải quan lấy lý do "hàng chưa được làm sạch, hàng còn bám dính các tạp chất đi kèm: đất, cát, gỉ sét, hàng bốc mùi hôi, khó chịu" để từ chối thông quan. Vậy theo ông, các khái niệm này nên (cần) được hiểu như thế nào?

 

Nhập khẩu phế liệu là một ngành kinh doanh có điều kiện, vì vậy khi nhập khẩu về nước, các DN nhập khẩu phải tuân theo các điều kiện. Tất nhiên, việc quy định "sạch" không hoàn toàn là bắt buộc không được có các chất bám dính. Theo tôi, nếu các lô hàng ấy không có các chất độc hại, gây hại cho sức khỏe, môi trường hoặc các chất thuộc danh mục cấm thì hoàn toàn có thể cho phép nhập. Ở đây cần xem xét xem các chất: đất, cát, gỉ sét... có thể ở môi trường các nước XK chưa xuất hiện mầm bệnh, nhưng khi có tác động của tự nhiên thì có thể xuất hiện mầm bệnh gây hại. Ở phương diện này, theo tôi các nhà sản xuất, nhập khẩu cần lưu ý để tránh làm tổn hại cho đất nước.

Tuy nhiên, theo tôi thì chúng ta cũng không nên cứng nhắc theo kiểu "môi trường vị môi trường" mà ở đây cần hiểu và áp dụng luật theo hướng tích cực rằng: Một khi sản xuất phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế đất nước. Và ngược lại, khi kinh tế phát triển sẽ có tác động tích cực trở lại tới các hoạt động bảo vệ môi trường.

Đến giờ lô hàng của Cty Anh Trang vẫn đang bị giữ tại cảng Khánh Hội, TP HCM

 

- Vấn đề là ở chỗ chúng ta chưa có một định nghĩa cụ thể về các chất sẽ bị liệt vào loại được nhập hay không được nhập. Theo ông, để tránh các cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan chức năng và cũng để minh bạch các điều kiện cho DN nhập khẩu, chúng ta cần làm gì?

Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả các lô hàng đã nhập về VN là "có vấn đề". Tùy trường hợp chúng ta cần có cái nhìn thật khách quan và chính xác. Theo tôi, nếu các DN có thể chứng minh được rằng mình có công nghệ có thể xử lý các tạp chất thì có thể xem xét cho phép nhập. Tất nhiên là không thể lẫn các loại hóa chất độc hại, chất thải phóng xạ hoặc các chất thuộc loại cấm nhập. Chúng ta cần biết rằng ngay cả chất thải y tế cũng được phép tái chế miễn là có thể đáp ứng được các yêu cầu về an toàn môi trường và sức khỏe. Theo tôi, các DN có thể chứng minh cho các nhà khoa học, tổ chức thăm quan thực địa về công nghệ xử lý của mình để mọi thứ đều công khai. Nếu công nghệ xử lý đảm bảo các yêu cầu, tôi nghĩ các DN hoàn toàn có thể nhập được.

- Ông có nghĩ rằng, chúng ta cần có một bảng danh mục các chất cụ thể không được lẫn trong các lô hàng phế liệu để DN cũng như các cơ quan chức năng làm căn cứ thực hiện?

Đúng là để làm rõ và hướng dẫn thực hiện Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường một cách cụ thể. Chúng ta cần xây dựng một danh sách các chất không được phép có lẫn trong các lô hàng nhập về. Nếu xây dựng được danh mục ấy, các DN cũng như các cơ quan chức năng chỉ cần căn cứ vào danh mục ấy để thực hiện, tránh những vướng mắc không đáng có.

- Xin cảm ơn ông!

 

Điều 43. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

1. Phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Đã được phân loại, làm sạch, không lẫn những vật liệu, vật phẩm, hàng hoá cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật VN hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN là thành viên;

b) Không chứa chất thải, các tạp chất nguy hại, trừ tạp chất không nguy hại bị rời ra trong quá trình bốc xếp, vận chuyển;
c) Thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
2. Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tái chế phải có đủ các điều kiện sau đây mới được phép nhập khẩu phế liệu:
a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường;
b) Có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm với phế liệu nhập khẩu;
c) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đạt tiêu chuẩn môi trường.

(Diễn đàn doanh nghiệp) 

 

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn