Sự việc bức xúc đến mức Hiệp hội Thép Việt Nam và Bộ Công Thương đã đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp lên tiếng.
Kết luận theo... cảm quan
“Từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn nhập khẩu thép phế liệu ép khối bình thường, vậy bỗng dưng, Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và 2 cho rằng, các lô hàng này gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu tái xuất”, bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Anh Trang (Hải Phòng), DN bị giữ hàng nhiều nhất (91 container) bức xúc nói.
Thép phế liệu ép khối gồm vỏ lon, đồ hộp đã qua sử dụng là một trong những nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy thép để sản xuất phôi thép. Những năm trước đây, việc nhập khẩu mặt hàng này diễn ra bình thường và được cho là phù hợp với các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể là, các tờ khai hải quan ngày 10/8/2007 và 23/8/2007 của Công ty Anh Trang đối với các lô thép phế liệu ép khối do Công ty nhập về đều được Chi cục Hải quan khu vực 1 xác nhận là “thép phế liệu dạng ống bơ được ép thành khối, hàng nhập khẩu phù hợp vơí Danh mục phế liệu đựơc phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản phẩm tại Quyết định 12/2006/QĐ-BTNMT, ngày 8/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường” và được cho thông quan.
Tuy nhiên, ngày 31/8/2007, khi 12 container thép phế liệu tương tự như trước của Công ty Anh Trang về đến Cảng Khánh Hội thì bị Chi cục Hải quan khu vực 2 “ách” lại và lập biên bản với lý do: “Khi mở 3 container ra có mùi hôi khó chịu và mặt hàng là thép dạng lon kim loại đã qua sử dụng, được ép thành khối, chưa được phân loại, làm sạch, có chứa nhiều tạp chất (đất, cát, sét rỉ, dây kẽm...) ẩm ướt, có dầu nhớt”. Vì vậy, lô hàng này không được thông quan. Tiếp theo, từ ngày 7/9 đến 11/9/2007, sự việc tương tự xảy ra với Công ty Anh Trang khi đăng ký mở 5 tờ khai hải quan cho lô hàng gồm 65 container thép phế liệu Cảng Cát Lái.
Ngoài Công ty Anh Trang, hiện Công ty Kim khí TP.HCM bị giữ 13 container , Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát: 69 container, Công ty TNHH thép Techmart: 73 container , Công ty cổ phần Thép Đình Vũ: 16 container cũng đang trong tình trạng tương tự. Tổng khối lượng thép phế liệu bị giữ tại các cảng Hải Phòng và TP.HCM là 6.685 tấn, trị giá khoảng 2,5 triệu USD.
Ông Lê Mạnh Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty thép Đình Vũ cho biết: “Chi cục Hải quan điện tử Hải Phòng cho rằng, mặt hàng nhập khẩu của Công ty dính dầu mỡ nên yêu cầu kiểm hoá toàn bộ số hàng nhập về không cho thông quan và đang chờ ý kiến giải quyết của cấp trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện các DN này đều cho biết các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra và kết luận bằng cảm quan, chứ không có thiết bị đo đạc nhằm xác định các lô hàng có gây ô nhiễm môi trường hay không. Ngày 22/11, phóng viên Báo Đầu tư đã liên lạc với lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị được gặp để tìm hiểu vụ việc này, nhưng không được tiếp. Kể cả khi gọi điện cho một Phó cục trưởng phụ trách thông quan điện tử thì chỉ nhận được câu trả lời: “không biết!”.
Cơ quan giám định có ý kiến trái ngược
Lý do mà các cơ quan chức năng đưa ra đối với các lô hàng thép phế liệu ép khối của 5 DN là “có mùi hôi và lẫn tạp chất, vi phạm điều 43, Luật Bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên, kết quả giám định của Vinacontrol đối với 61 container của Công ty Anh Trang lại hoàn toàn trái ngược với nhận xét trong biên bản của Chi cục Hải quan khu vực 1 khi khẳng định: “Lô hàng thép phế liệu bao bì (lon, hộp ) trên có thể đưa vào sử dụng để nấu luyện, thu hồi thép phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường”. Mặt khác, nếu chỉ căn cứ theo điều 43, Luật Bảo vệ môi trường thì cũng không đủ cơ sở để khẳng định những lô hàng thép phế liệu đang bị giữ tại các cảng trên vi phạm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bởi Luật chỉ nói rằng: “phế liệu nhập khẩu đã được phân loại, làm sạch” mà các lô hàng nhập về đã được “phân loại” là “vỏ lon hộp ép khối” còn thế nào là sạch, sạch đến đâu thì không được quy định rõ. Hơn thế, Luật chỉ cấm “phế liệu có chứa tạp chất nguy hại” và chỉ yêu cầu “tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tái chế phải có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm với phế liệu nhập khẩu”. Một số chuyên gia cho rằng các tạp chất cặn hộp sẽ không gây ô nhiễm môi trường khi được nung ở nhiệt độ 1.600oC.
Trước những bức xúc của 5 DN, ngày 13/11/2007, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có Công văn số 76/HHTVN do Chủ tịch Hiệp hội Phạm Chí Cường ký gửi Bộ Công Thương, Bộ TN &MT và Tổng cục Hải quan đề nghị “cho thông quan các lô hàng đã nhập khẩu và sau đó tổ chức cuộc họp thống nhất các quy định cụ thể đối với loại phế liệu này vì đây là loại nguyên liệu mà các nước trên thế giới đều sử dụng ép bánh và nấu lại theo cách này và không rửa cặn hộp trước khi ép”.
Ngày 21/11/2007, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 3173/BCT- CLH do Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào ký, gửi Bộ TN & MT và Tổng cục Hải quan một lần nữa khẳng định: “Đối với loại phế liệu trên, các nước trên thế giới đều sử dụng ép bánh (khối) và nấu lại, không rửa sạch cặn trước khi ép” và đề nghị “khẩn trương xem xét, giải quyết... giúp tháo gỡ khó khăn cho DN”.
Ngăn ngừa nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc thiếu các thiết bị đo đạc cũng như các tiêu chí rõ ràng về độ sạch của thép phế liệu dẫn đến gây ách tắc, thiệt hại cho DN là điều cần được quan tâm, xử lý. Đây là mối quan tâm của các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm phế liệu, để tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quy định luật pháp về bảo vệ môi trường (cụ thể là Mục 1, điều 43 Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT).
(Báo Đầu Tư)