Thông tin thị trường

Ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó CT Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết

PV: Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đã xúc tiến khởi công các nhà máy sản xuất thép với quy mô từ hàng tỷ USD đến quy mô đầu tư địa phương. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng mất cân đối cung cầu trên thị trường thép VN vào thời gian tới. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Vâng, đúng là trong những năm vừa qua, nhiều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư lớn vào ngành thép, nên ngành thép đang có quy mô phát triển khá mạnh. Theo quan điểm của tôi, có 2 vấn đề như sau:

Về ưu điểm, phải nói là nếu đầu tư nhiều, đất nước ta sẽ có một lượng thép lớn để phục vụ cho phát triển công nghiệp. Nhưng nếu phát triển mà không theo quy hoạch, không tính toán khoa học, không cân đối giữa ngành thép với các ngành khác thì sẽ sinh ra nhiều khó khăn và hiệu quả đầu tư cũng sẽ kém.

Chưa kể, nếu đầu tư quá nhu cầu trong từng giai đoạn thì sẽ tạo ra tình trạng cạnh tranh quyết liệt và rất dễ dẫn đến những hiện tượng không lành mạnh.

Tôi cho rằng đầu tư gì cũng nên theo quy hoạch đã được xây dựng, cụ thể trong ngành thép, đó là quy hoạch mà tháng 9/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Theo ông, trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt như hiện nay, những doanh nghiệp đáp ứng các ứng các tiêu chí như thế nào sẽ trụ lại và phát triển?


Để đảm bảo trụ được trên thị trường trong thị trường này, theo tôi, doanh nghiệp phải đáp ứng được những tiêu chí như sau:

Thứ 1: Về quy mô, doanh nghiệp phải đạt đến một quy mô nhất định. Ví dụ, như trong sản phẩm thép cán, doanh nghiệp phải có quy mô dự án đạt khoảng 500 ngàn tấn/năm; hoặc luyện thép, như luyện thép lò điện, thì phải có công suất lò 7 tấn/lò trở lên. Các sản phẩm khác cũng tương tự như vậy, thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Thứ 2: Doanh nghiệp phải đặt tiêu chuẩn về tiêu hao năng lượng, về bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong các chí dự án đầu tư.

Muốn đạt được những tiêu chí trên, rõ ràng, doanh nghiệp phải có công nghệ thiết bị tốt, có thể cho chất lượng sản phẩm cao, giá thành hạ. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cũng như dịch vụ bán hàng sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành thép đã được hưởng lợi lớn từ chính sách kích cầu. Ông dự đoán vào thời gian tới đây cũng như trong năm 2010, doanh thu của các doanh nghiệp ngành thép sẽ như thế nào, khi gói kích cầu đã hết thời hạn phát huy tác dụng cũng như có khả năng giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào sẽ tăng?

Từ đầu năm 2009 đến nay, chính sách kích cầu của Chính phủ đã hỗ trợ lớn cho nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngành thép cũng được hưởng lợi. Kích cầu đã giúp thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng, mà đi đầu là thép, sôi động hơn. Phần còn lạì thì các doanh nghiệp thép vẫn phải theo diễn biến của thị trường, thí dụ, nếu nhập phôi thép thì doanh nghiệp vẫn phải nhập với giá của thế giới hoặc là chi phí năng lượng, nhập dầu thì vẫn cứ phải nhập theo giá dầu của thế giới. Ban đầu chúng tôi chỉ dự kiến là ngành thép chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bằng năm 2008, hoặc nếu có tăng thì chỉ tăng khoảng 3 – 5%, nhưng thực tế trong 8 tháng vừa qua so với 8 tháng năm 2008, đã tăng trên 20%.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành thép?


Trong một số năm gần đây, một vài doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu các sản phẩm thép xây dựng, ống thép hàn, tôn mạ kẽm, tôn phủ màu… Nhưng cũng chỉ mới xuất được sang một số thị trường quanh Việt Nam như Campuchia, Lào, Myanmar, số lượng cũng chưa nhiều. Trong quy hoạch tháng 9/2007, Chính phủ đã đề ra mục tiêu là ngoài việc đáp ứng với mức cao nhất cho nhu cầu phát triển trong nước, thì doanh nghiệp thép phải tiến tới xuất khẩu. Nhưng để đạt được mục tiêu này, phụ thuộc khá lớn vào công nghệ thiết bị. Công nghệ tiên tiến, quy mô nhà máy lớn, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí sản xuất để cho sản phẩm chất lượng tốt nhưng với giá thành thấp nhất, thì mới có thể cạnh tranh. Ngoài những thị trường gần, chúng ta cần phải tiếp tục vươn tới những thị trường xa hơn như châu Phi, Trung Đông và những thị trường khác nữa. Đấy là mục tiêu mà ngành thép phải đặt ra. Tất nhiên cũng không thể ngày một ngày hai mà làm được. Cũng phải tính đến những dự án đầu tư mới, cải tiến công nghệ thiết bị cũ, mới có thể tiến tới xuất khẩu.

Trong tình trạng việc cung ứng phôi thép cho sản xuất thép xây dựng trong nước vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu, theo ông, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thép sẽ còn phải chịu những rủi ro nào trong tương lai?

Những năm vừa qua, chúng ta đã phải nhập khẩu một lượng lớn phôi thép để sản xuất thép thành phẩm. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đầu tư vào các nhà máy sản xuất phôi. Cho đến năm 2009, chúng ta đã có sản lượng phôi trong nước khoảng trên 4 triệu tấn. Khả năng năm 2009 này, sản lượng phôi trong nước có thể đáp ứng cho nhu cầu của thị trường từ 55 đến 60%, và chắc chắn từ năm 2010 trở đi thì sản lượng này sẽ tăng lên. Với tỷ lệ đó, dĩ nhiên doanh nghiệp thép VN vẫn còn phụ thuộc vào thị trường thế giới, khi giá phôi thép thị trường thế giới tăng thì giá thành sản phẩm thép trong nước cũng tăng theo. Một vài năm gần đây, ngành thép đã chấp nhận việc điều chỉnh sản xuất – kinh doanh theo biến động của giá cả thị trường. Việc mua bán sản phẩm thép của các doanh nghiệp hiện nay đã quen với những biến động như vậy rồi.

Xin cảm ơn ông!

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn