Thông tin thị trường

1. Mô hình tổ chức quản lý công ty mẹ - công ty con

Thực hiện quá trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp, từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, tiến trình sắp xếp và chuyển đổi công ty nhà nước đang được khẩn trương thực hiện, theo tinh thần Đại hội X của Đảng: “khẩn trương hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước theo hướng hình thành loại hình công ty nhà nước đa sở hữu, chủ yếu là các công ty cổ phần. Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành chính; có nhiều chủ sở hữu, sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối... Đối với những tổng công ty lớn chưa cổ phần hóa toàn bộ tổng công ty, thực hiện cổ phần hóa hầu hết các đơn vị thành viên và chuyển các doanh nghiệp thành viên còn lại sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là Nhà nước; đồng thời, chuyển các tổng công ty này sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tổ chức lại Hội đồng quản trị để thực sự là đại diện trực tiếp của chủ sở hữu tại tổng công ty”(1).

Mô hình công ty mẹ - công ty con là mô hình tiên tiến được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Mô hình này thể hiện mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc giữa công ty mẹ và công ty con, trong đó yếu tố vốn là nút liên kết cơ bản.

Thông qua việc nắm giữ và chi phối về vốn đầu tư, công ty mẹ có vị trí, vai trò quan trọng trong việc quyết định chiến lược phát triển của các công ty con nhằm thực hiện mục tiêu chung của cả tập đoàn. Quyền sở hữu đem lại cho công ty mẹ khả năng chi phối đối với công ty con, thông qua việc quyết định về tổ chức, quản lý, nhân sự chủ chốt, thị trường cũng như những vấn đề quan trọng khác. Mức độ sở hữu vốn của công ty mẹ trong công ty con quyết định nội dung của mối quan hệ trên. Công ty con được công ty mẹ góp 100% vốn thì mối quan hệ với công ty mẹ sẽ hết sức chặt chẽ, thể hiện ở việc công ty mẹ có quyền quyết định hoàn toàn những vấn đề quan trọng của công ty con. Các công ty con mà công ty mẹ giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối sẽ có mối quan hệ ít chặt chẽ với công ty mẹ. Tuy nhiên, với tỷ lệ vốn góp giành được quyền chi phối, các công ty mẹ vẫn đủ sức kiểm soát và định hướng cho công ty con hoạt động nhằm phục vụ lợi ích, chiến lược của công ty mẹ.

Ngoài ra, giữa các công ty con lại có mối quan hệ ràng buộc với nhau, phụ thuộc vào sự điều tiết của công ty mẹ nhằm phục vụ mục tiêu chung của tập đoàn. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các công ty con vẫn hoàn toàn độc lập và tự chủ trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của mình.

Nghị định 153/2004/NĐ-CP quy định, công ty mẹ có các quyền và nghĩa vụ: quyết định nội dung, sửa đổi, bổ sung điều lệ, cơ cấu tổ chức, quản lý công ty con; có trách nhiệm đầu tư vốn điều lệ cho công ty trực thuộc, thực hiện quyền chủ sở hữu đối với phần vốn này; xây dựng chiến lược kinh doanh chung, phân cấp quyết định các dự án đầu tư cho các đơn vị thành viên; tổ chức giám sát, theo dõi và đánh giá hoạt động kinh doanh, tài chính công ty con; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty thành viên trong phạm vi số vốn góp vào…

Trong khi đó, công ty con có các quyền và nghĩa vụ: quản lý và sử dụng linh hoạt số vốn do công ty mẹ đầu tư, chịu trách nhiệm trước công ty mẹ về hiệu quả sử dụng vốn và các nguồn lực; có quyền tự chủ kinh doanh trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn lực của công ty, phù hợp với nhu cầu thị trường và các mục tiêu, phương án phối hợp kế hoạch kinh doanh chung của công ty mẹ; tham gia các hình thức đầu tư hoặc được công ty mẹ giao tổ chức thực hiện các dự án đầu tư…

2. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước

Luật Doanh nghiệp năm 2005 từng bước đã tách quyền sở hữu doanh nghiệp và quyền quản lý doanh nghiệp của Nhà nước. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình trên các mặt: định hư­ớng phát triển, xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách quản lý đối với công ty mẹ và công ty con, hệ thống thông tin trên thị trư­ờng chứng khoán, đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát… Gắn liền với sự chuyển đổi, việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với mô hình công ty mẹ - công ty con có ý nghĩa quan trọng, thực hiện trên cơ sở những nội dung sau:

Thứ nhất, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 mặc dù đã nêu quyền và trách nhiệm của công ty mẹ, công ty con nhưng mới chỉ ở dạng chung nhất mà chưa có những quy định cụ thể về quản lý đối với mô hình này. Các tổng công ty đã và sẽ được thành lập thành các tập đoàn kinh tế mạnh, nhưng tại Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ mới nêu được tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Quy định về quản lý vốn, một yếu tố quan trọng bậc nhất trong mô hình tổ chức trên cũng chưa cụ thể, nhất là việc các công ty mẹ trực tiếp đầu tư vốn cho công ty con hoặc mua cổ phần của công ty con...

Để mô hình trên hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới khi Luật Doanh nghiệp thống nhất được ban hành, Chính phủ cần có nghị định hướng dẫn tiêu chí tổ chức quản lý, hoạt động, cũng như quản lý vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Thứ hai, đổi mới các chính sách quản lý.

Các tổng công ty được thành lập trên cơ sở có các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, những doanh nghiệp thành viên khác tham gia trên tinh thần tự nguyện, vì lợi ích chung và lợi ích của chính mình. Các tổng công ty lớn phải có tiềm lực tài chính mạnh, sử dụng phương thức “tham gia vốn vào các doanh nghiệp thành viên” thông qua công ty đầu tư tài chính của mình, dần dần trở thành các tập đoàn kinh doanh mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Từng bước hoàn thiện mô hình các tổng công ty đang hoạt động theo hướng phân định rõ ràng quyền sở hữu và quyền quản lý, tránh sự chồng chéo lẫn nhau. Nhà nước chỉ bổ nhiệm chức năng quản lý, tức là chấp thuận danh sách thành viên Hội đồng quản trị và bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, quy định chế độ trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng quản trị. Đối với chức danh điều hành như Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng và giám đốc các đơn vị trực thuộc do Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm hoặc thuê.

Chuyển mô hình điều hành sản xuất của tổng công ty từ điều hành bằng phương pháp hành chính sang phương pháp kinh tế. Tăng cường năng lực hoạch định chiến lược, phân tích thị trường, thẩm định dự án đầu tư, công tác kế hoạch, quản lý chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật của các cơ quan tổng công ty theo hướng tăng về chất nhưng giảm về lượng.

Thực hiện chế độ hạch toán đầy đủ và rành mạch theo từng doanh nghiệp thành viên để biết rõ năng lực điều hành của giám đốc mỗi đơn vị. Quy định chế độ trách nhiệm vật chất trong việc bảo toàn và phát triển vốn đối với công ty con, chấm dứt việc sáp nhập đơn vị lỗ vào đơn vị lãi để “hòa” lãi lỗ. Với mô hình công ty mẹ - công ty con, các đơn vị làm ăn thua lỗ phải tự chịu trách nhiệm, công ty mẹ chỉ là người góp vốn chứ không là chủ sở hữu vốn như trước đây.

Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý.

Thực hiện mở cửa các lĩnh vực mà khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn đảm nhận cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia, trừ một số ngành đặc biệt phải có sự độc quyền của Nhà nước. Các doanh nghiệp phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, tự tính toán chi phí, doanh thu và lỗ lãi của doanh nghiệp, xóa bỏ mọi khoản trợ cấp hay bù lỗ từ ngân sách một cách trực tiếp hay gián tiếp. Với tổng công ty vừa phải đảm nhiệm mục tiêu phi thương mại, vừa phải đạt các mục tiêu thương mại thì cần thiết phải chia tách doanh nghiệp thành hai bộ phận hạch toán độc lập hoặc thành hai doanh nghiệp riêng rẽ, để cho các tổng công ty được theo đuổi mục tiêu lợi nhuận.

Nhà nước giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh đi đôi với minh bạch về tài chính, có cơ chế thưởng phạt và trách nhiệm rõ ràng; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho trong đầu tư và quan hệ tài chính giữa Nhà nước và tổng công ty. Việc đầu tư không theo phương thức cấp phát như trước mà chuyển sang hình thức qũy đầu tư hoặc công ty đầu tư tài chính của Nhà nước. Tiếp tục phân cấp thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước đối với tổng công ty, trong đó Hội đồng quản trị là cơ quan nhà nước đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại tổng công ty, chủ tịch Hội đồng quản trị được giao bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Thứ tư, sắp xếp lại các tổng công ty

Củng cố, đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý các tổng công ty, kết hợp sắp xếp lại với đầu tư mới hoặc cải tạo, hiện đại hóa các doanh nghiệp nhà nước cần thiết. Các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo đổi mới kinh tế và các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt nhận thức về các giải pháp sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược hoặc lo sợ làm bất ổn xã hội, mất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hay tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước...

Tổ chức tuyên truyền, vận động rộng rãi để công chúng đồng tình, nhiệt tình tham gia thảo luận phương án sắp xếp lại doanh nghiệp, hăng hái mua cổ phần. Có các giải pháp hỗ trợ cho sắp xếp lại như phát triển thị trường vốn, phổ biến các biện pháp kỹ thuật xác định giá trị doanh nghiệp, cải tiến thủ tục hành chính liên quan...

Thứ năm, kiểm tra, giám sát các hoạt động của tổng công ty.

Kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật và làm trọng tài bảo đảm sự công bằng trong các quan hệ kinh tế. Đây là chức năng quan trọng của Nhà nước nhằm duy trì các luật chơi và làm trọng tài giải quyết các tranh chấp về kinh tế, bảo đảm tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Để thực hiện chức năng này, hệ thống các tòa án, hệ thống thanh tra phải được tổ chức để giải quyết các xung đột về kinh tế một cách có hiệu quả, công bằng và ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể kinh doanh như: trốn thuế, buôn lậu, đầu cơ...

Giám sát, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một chức năng rất quan trọng của chủ sở hữu nhằm mục đích: giám sát các hành vi tư lợi của người quản lý; đánh giá kết quả hoạt động quản lý để đưa hệ thống khuyến khích lợi ích cá nhân vào việc nâng cao nỗ lực quản lý của giám đốc doanh nghiệp… Hệ thống giám sát, kiểm tra có thể được tổ chức bao gồm: hệ thống cung cấp các thông tin kịp thời và chính xác; hệ thống đánh giá kết quả quản lý của doanh nghiệp.

Thứ sáu, đổi mới mối quan hệ chủ sở hữu với các tổng công ty.

Thực hiện sự đổi mới trên nhằm tránh hai khuynh hướng: Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hạn chế sáng kiến và tính năng động của các tổng công ty; việc giao quyền tự chủ kinh doanh cho các tổng công ty không trên cơ sở xác định rõ ràng trách nhiệm và quyền quản lý tài sản tại doanh nghiệp, thiếu sự giám sát và kiểm tra hoạt động tài chính, dẫn đến tình trạng tham ô, lãng phí tài sản nhà nước.

Xác định đúng chức năng chủ sở hữu của Nhà nước trong quá trình mở rộng quyền sản xuất kinh doanh cho các tổng công ty để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp. Việc xác định đại diện chủ sở hữu tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc: chỉ có một đại diện chủ sở hữu duy nhất ở doanh nghiệp; xác định rõ quyền hạn cũng như trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp; quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh.

Nhà nước cần có cơ chế chính sách giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp tục giải quyết những vấn đề vướng mắc sau khi chuyển đổi để nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thành các công ty con được quyền chủ động vận dụng cơ chế thị trường có sự quản lý theo đúng pháp luật của Nhà nước, được bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trước pháp luật. Nhà nước ban hành đồng bộ các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, chính sách giải quyết thoả đáng điều kiện cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh của tập đoàn kinh tế như: mặt bằng, đất đai, công nợ, vốn, tiền lương - thưởng, bảo hiểm...

Theo Viện kinh tế TP.HCM
 

 

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn