Thông tin thị trường

Những dấu hiệu phục hồi

Bước vào năm 2009, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, ngành thép sẽ gặp khó khăn hơn năm 2008 vì nhiều doanh nghiệp sản xuất thép còn tồn kho với số lượng lớn phôi thép, trong lúc đó giá thép phế nhập khẩu rất cao.

Tháng 1 và tháng 2/2009, ngành thép lao đao vì sức mua giảm sút mạnh. Nhiều doanh nghiệp nghiệp lỗ nặng phải đứng trước nguy cơ đóng cửa và phá sản. Tuy nhiên, Chính phủ đã nhanh chóng triển khai 5 gói giải pháp nhằm khôi phục phát triển sản xuất. Ngành thép được Chính phủ và các bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm qua việc điều chỉnh một số chính sách.

Cụ thể, tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5 lên 8%, thép xây dựng từ 12 lên 15%, thép cuộn cán nguội từ 7 lên 8%, thép hợp kim chứa Boron (Bo) sử dụng làm thép xây dựng từ 0 lên 10%... Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp kịp thời ổn định tỷ giá USD/VND, điều chỉnh chính sách ưu tiên nguồn đô la Mỹ để nhập khẩu phôi thép, thép phế liệu và một số vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Triển khai các gói kích cầu, tiếp tục các dự án lớn trong năm 2008…

Vì thế, từ tháng 3/2009 đến nay, thị trường thép đã có những chuyển biến tích cực. Tiêu thụ thép đến hết tháng 7/2009 đã tăng so với 7 tháng cùng kỳ xấp xỉ 10%.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, thành công lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại là chưa có cơ sở sản xuất thép nào phải đóng cửa hoặc phá sản; một số công ty vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất như Thép Việt, Hòa Phát, HPS, VnSteel...

Mà theo quy luật những tháng cuối năm, tình hình giải ngân cho các dự án xây dựng tốt hơn nên ngành thép có cơ hội duy trì tăng trưởng khá hơn so với những tháng đầu năm 2008.

Theo nhận định của VSA, dự kiến năm 2010, ngành thép tiếp tục có sự tăng trưởng do tác động của các biện pháp kích cầu của Chính phủ trong năm 2009. Sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng và các sản phẩm thép khác tăng từ 10- 12% so với năm 2009. Dự kiến cung ứng phôi thép vuông cho sản xuất thép xây dựng trong nước đáp ứng khoảng 60% nhu cầu trong nước.

Vẫn thờ ơ với thị trường xuất khẩu

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, dự kiến trong năm 2009, công suất sản xuất các sản phẩm thép tăng nhanh, cung vượt xa cầu. Đặc biệt công suất thép xây dựng đã tăng lên 6,7- 7 triệu tấn; phôi thép 4,5- 4,7 triệu tấn, gấp đôi nhu cầu trong nước. Nếu không tận dụng hết năng lực máy móc, chi phí cho mỗi tấn thép của Việt Nam khá cao, khó cạnh tranh với giá bán thép của một số nước trong khu vực.

Đó cũng là điều dễ hiểu tại sao thép Việt Nam chưa thể vươn ra thị trường bên ngoài (hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Campuchia). 7 tháng đầu năm, tổng lượng XK thép mới đạt 150.510 tấn. Dự kiến cả năm 2009, xuất khẩu thép sẽ giảm mạnh, chỉ khiêm tốn ở con số 269.523 tấn, giảm gần 15% so với năm 2008. Riêng Tổng công ty thép dự tính năm nay chỉ xuất khẩu được 55 triệu USD, giảm gần 10% so với năm 2008.

Đặc biệt trong kế hoạch năm 2010 và những năm tiếp theo của Hiệp hội thép cũng như Tổng công ty Thép Việt Nam đều không có phương án chú trọng đến thị trường xuất khẩu.

Lý giải về điều này, ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội thép cho rằng: Giá bán thép trong nước không cao hơn các nước trong khu vực, nhưng trong khi Trung Quốc và một số nước ASEAN có nhiều chính sách ưu đãi cho xuất khẩu thép, như giảm thuế suất thuế xuất khẩu bằng 0%, hoàn thuế giá trị gia tăng thì thuế xuất khẩu thép của Việt Nam vẫn thực hiện từ 0 đến 5%. Điều đó khiến thép Việt khó có điều kiện vươn ra thị trường bên ngoài (?)

Đẩy mạnh các dự án trọng điểm

Mặc dù có những tín hiệu hồi phục nhưng hiện nay, ngành thép cũng phải đứng trước nhiều khó khăn mới như giá nguyên liệu cơ bản: quặng, than, dầu, phôi thép, thép phế và một số loại nguyên liệu khác nhiều khả năng cao hơn năm 2009.

Đồng thời, năm 2010, nhiều dự án mới về thép đi vào sản xuất càng làm tăng sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ trên thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp, nhất là với các sản phẩm thép xây dựng, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại…

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, đánh giá: hiện nay, ngành thép là một trong những ngành có sự phục hồi mạnh nhất và có nhiều tín hiệu khả.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để duy trì mức tăng trưởng cao trong 4 tháng còn lại, các doanh nghiệp thép phải bám sát nhu cầu, diễn biến thị trường, các chính sách của Chính phủ để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Những năm tới, để thực hiện mức tăng trưởng 10%/năm, cần tập trung xử lý tốt vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án lớn, có hiệu quả nhằm tạo đầu ra cho ngành sản xuất thép. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới, các thủ tục cấp giấy phép đầu tư nước ngoài quy hoạch để bảo đảm cân đối cung cầu hợp lý.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Hiệp Hội Thép Việt Nam và Tổng công ty Thép Việt Nam cần nghiên cứu, phân tích sâu để xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho những năm tiếp theo; tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí giá thành, đẩy mạnh việc xúc tiến, tìm kiếm thị trường mới.

(Theo Công Thương)


 

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn